Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT - Hoàng Văn Thắng; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Trần Quốc Khánh; ông Antoine MONSAINGEON – Phó Chủ tịch Tập đoàn CLS; bà Laure GRAZI - Phó Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; bà Madhu RAGHUNATH – Trưởng nhóm Chương trình phát triển bền vững, Ngân hàng Thế giới và các cơ quan, đơn vị, trường, viện liên quan trong nước thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tập đoàn công nghệ vũ trụ đến từ Pháp (Tập đoàn CLS), Mỹ (Công ty PLANET).
Lễ ký Biên bản Ghi nhớ giữa Bộ KH&CN và Công ty PLANET
Mục tiêu chính của Hội thảo nhằm giới thiệu các xu hướng đầu tư cho công nghệ mới trên thế giới và các giải pháp công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực viễn thám phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết, Chiến lược Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Vũ trụ đến năm 2020 của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 137/2006/QĐ-TTg ngày 14/6/2006, đã tạo nền tảng quan trọng cho phát triển công nghệ viễn thám tại Việt Nam. Thông qua hội thảo, Thứ trưởng mong muốn tất cả các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước phát huy tối đa trí tuệ, cùng thảo luận, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ viễn thám, từ đó nghiên cứu xây dựng các chương trình, kế hoạch hợp tác hướng đến những lợi ích lâu dài, bền vững cho phát triển kinh tế, xã hội của tất cả các bên.
Toàn cảnh Hội thảo quốc tế
Tại Hội thảo, các bài tham luận của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như CLS, PLANET đã nhận định rằng ứng dụng viễn thám là rất cần thiết để quản lý, theo dõi, giám sát các hoạt động đặc biệt là các hoạt động sản xuất nông nghiệp như thủy lợi, lâm nghiệp, môi trường nông nghiệp, thủy sản và chăn nuôi. Với khả năng cung cấp các dịch vụ ưu việt về công nghệ viễn thám như dịch vụ giám sát các khu vực rộng lớn một cách thường xuyên 24/24, số liệu địa không gian được cập nhật liên tục với nguồn dữ liệu mới nhất, dịch vụ cung cấp các bản đồ cơ sở sẵn sàng có thể sử dụng ngay lập tức, các tập đoàn mong muốn là đơn vị cung cấp dịch vụ cho các đơn vị ở Việt Nam đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và PTNT - khách hàng lớn nhất Việt Nam về khai thác sử dụng, mức độ đa dạng của dữ liệu, tần suất sử dụng và phạm vi không gian sử dụng.
Bên cạnh các bài trình bày của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, tại Hội thảo các đại biểu cũng được nghe một số tham luận giới thiệu về việc ứng dụng công nghệ vũ trụ tại Việt Nam; Ứng dụng công nghệ viễn thám trong hoạt động quản lý, quy hoạch bền vững nguồn nước: Kết quả và nhu cầu của ngành thủy lợi; Giám sát các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng bằng công nghệ viễn thám; ; Ứng dụng viễn thám trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; Quản lý rủi ro môi trường vùng duyên hải... Qua các bài tham luận, bên cạnh những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ, theo các đại biểu, cũng còn nhiều thách thức, khó khăn trong lĩnh vực này như: Phần lớn ứng dụng viễn thám ở Việt Nam sử dụng ảnh quang học độ phân giải cao song việc thu thập ảnh viễn thám quang học là rất khó khăn do Việt Nam nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa; Cơ sở dữ liệu viễn thám chưa hoàn thiện nên hạn chế việc cung cấp dữ liệu tới người sử dụng ở Việt Nam; Các văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thiện đang là cản trở cho ứng dụng công nghệ viễn thám; Nhận thức về ứng dụng công nghệ viễn thám nhất là các địa phương còn nhiều hạn chế; Phí sử dụng dữ liệu đang là vấn đề trở ngại cho ứng dụng công nghệ này.
Các chuyên gia trong và ngoài nước đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn của Việt Nam, đặc biệt là các hướng hợp tác trong thời gian tới. Theo đó tập trung Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về viễn thám; Cần đẩy mạnh tuyên truyền nhận thức về CNVT, đào tạo chuyển giao CNVT, nhất là tại các địa phương; nên có chính sách mềm dẻo hơn nhất là về phí sử dụng ảnh để khuyến khích ứng dụng CNVT.
Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ ký Biên bản Ghi nhớ giữa Bộ KH&CN và Công ty PLANET. Mục tiêu nhằm xây dựng một chương trình trao đổi và hỗ trợ, giúp chính quyền các cấp, các nhà khoa học và người sử dụng tại Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau có thể tiếp cận các công nghệ vũ trụ mới nhất trên thế giới. Cụ thể, PLANET sẽ cung cấp cho Chính phủ Việt Nam quyền truy cập vào dữ liệu hình ảnh quang học của PLANET thông qua 3 tài khoản truy cập khác nhau, mỗi tài khoản gồm 10 vị trí, trong thời gian hỗ trợ là 30 ngày cho mỗi tài khoản. Dịch vụ khai thác hỗ trợ miễn phí này tương ứng với giá trị khoảng 450.000 USD.