PV: Với bản dự thảo là để các nước tự nguyện tham gia vào cam kết sẽ thực hiện những giải pháp cho việc ứng phó BĐKH trong tương lai có thể được gọi là thành công của Hội nghị lần này, thưa ông?
Ông Phạm Văn Tấn: Việc các nước tự nguyện tham gia vào cam kết sẽ thực hiện những giải pháp cho việc ứng phó BĐKH ở COP20 lần này được thể hiện rõ qua việc thống nhất nội dung báo cáo “Dự kiến đóng góp do quốc gia quyết định” (iNDC). Đây là bản báo cáo thể hiện sự đóng góp của các quốc gia vào việc giảm phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực của mình, với trách nhiệm cao nhất dựa vào khả năng kinh tế của nước mình. Báo cáo đóng góp này được thông qua với sự thống nhất của hơn 10.000 đại biểu đến từ 186 nước trên thế giới. Với thông điệp kêu gọi là “Hiệu triệu Lima cùng hành động vì khí hậu”. Đây được xem là sự thành công của COP 20.
PV: Thưa ông, các nước, trong đó có Việt Nam sẽ phải làm gì cho thời gian từ nay đến kỳ hạn thay đổi một cam kết mới tiếp theo thay thế Nghị định thư Kyoto?
Ông Phạm Văn Tấn: Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, chiến lược, văn bản quy phạm pháp luật, các đề án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) nhằm thực hiện tốt Công ước cũng như giảm nhẹ những thiệt hại do BĐKH gây ra. Trong đó, Chính Phủ Việt Nam phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh, kinh doanh tín chỉ các - bon ra thị trường thế giới và các hoạt động giảm phát thải KNK… Việt Nam cũng đã đưa ra mốc thực hiện về giảm phát thải KNK là đến năm 2020, sẽ cố gắng phấn đấu đạt được các mục tiêu giảm phát thải ở tất cả các lĩnh vực, cụ thể như lĩnh vực năng lượng sẽ giảm phát thải khoảng 8%, nông nghiệp giảm 20%, chất thải 5%....
Để có một cam kết mới tiếp theo thay thế Nghị định thư Kyoto, hầu hết các nước đang phát triển như Việt Nam đều gặp nhiều khó khăn. Bởi nếu như trước đây các nước tham gia Công ước chỉ tập trung giảm nhẹ KNK thì đến nay phải bổ sung thêm vấn đề thích ứng, chuyển giao công nghệ v.v… Do đó, mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam đã xây dựng được. Tuy nhiên, sau năm 2020 sẽ hoạt động như thế nào để đảm bảo lợi ích của quốc gia thì Việt Nam phải xem xét để xây dựng được mục tiêu và kế hoạch cụ thể. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục xem xét, xây dựng các chính sách liên quan đến vấn đề trợ giá, tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ năng lượng tái tạo… Đồng thời, sẽ tích cực học hỏi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác với những nước phát triển xây dựng được những báo cao chi tiết cho hoạt động BĐKH.
PV: Tại COP 20, Việt Nam đã cam kết sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả với BĐKH, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp giảm phát thải, phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp bền vững, thải các-bon thấp. Vậy trong thời gian tới Việt Nam cần tập trung ưu tiên triển khai những giải pháp gì để thực hiện điều này thưa ông?
Ông Phạm Văn Tấn: Việt Nam là nước đang phát triển thứ hai trên thế giới đệ trình Báo cáo cập nhật 2 năm một lần (BUR) lần đầu tiên của Việt Nam cho Ban Thư ký công ước khí hậu. Bản báo cáo nêu tóm tắt các hành động của Việt Nam góp phần cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH toàn cầu. Việc sớm trình BUR1 là minh chứng cụ thể, thiết thực về thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH toàn cầu cũng như hoàn thành nghĩa vụ của phía các nước đang phát triển tham gia Công ước theo Quyết định 2.CP17 của COP17.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ kiện toàn thành viên Ban công tác đàm phán về BĐKH cho phù hợp với tình hình mới để thực hiện thoả thuận thích ứng; giảm nhẹ; tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ; tài chính và minh bạch trong các hoạt động ứng phó và hỗ trợ theo sự thống nhất thông qua “ Hiệu triệu Lima cùng hành động vì khí hậu”. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao Bộ tài nguyên và Môi trường cùng với các nhà tài trợ UNDP và GIZ và các Bộ có liên quan triển khai xây dựng iNDC của Việt Nam, dự kiến hoàn thành vào tháng 5 năm 2015
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng các Bộ, ngành nghiên cứu kỹ các Quyết định của COP20 để triển khai một cách phù hợp tại Việt Nam, trong đó có Dự kiến đóng góp do quốc gia quyết định iNDC của Việt Nam. Đồng thời sẽ chuẩn bị tốt về năng lực đàm phán cho các thành viên để Việt Nam tham gia thảo luận xây dựng Thoả thuận 2015 một cách hiệu quả nhất; bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, có đóng góp phù hợp với các quy định của Công ước khí hậu, góp phần bảo vệ hệ thống khí hậu của trái đất.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực tuyên truyền nâng cao hiểu biết về BĐKH, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào việc ứng phó với BĐKH.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!