|
TS. Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu khai mạc hội thảo
|
Hội thảo diễn ra trong hai ngày nhằm mục tiêu tạo điều kiện để các phóng viên phản ánh những vấn đề cũng như mối quan ngại chính về biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và thực phẩm tại Việt Nam. Hội thảo cũng đặt mục tiêu cải thiện năng lực của người tham dự trong công tác báo cáo và truyền thông trên cơ sở khoa học các vấn đề về biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và thực phẩm; giúp họ thường xuyên đăng tải trên các báo viết, báo hình cũng như báo điện tử của Việt Nam những câu chuyện về biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và thực phẩm; và khởi tạo một mạng truyền thông xã hội trong nước về biến đổi khí hậu có sự tham gia tích cực của cả hai khối công - tư; phổ biến rộng rãi về sinh kế bền vững và duy trì vận động tuyên truyền về nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về ứng phó với thiên tai đến năm 2020 và ban hành Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam hiện là thành viên của Liên minh toàn cầu về nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu với mục đích thúc đẩy thay đổi chính sách và tăng cường đầu tư lĩnh vực nông nghiệp….
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng nhấn mạnh rằng: “Hội thảo Huy động khoa học về Biến đổi Khí hậu, Nông nghiệp và An ninh lương thực nhằm tăng cường sự tham gia của đội ngũ phóng viên của các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, truyền thông trong lĩnh vực biến đổi khí hậu nông nghiệp và An ninh lương thực tại Việt Nam. Để đạt mục tiêu thích ứng và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu thì công tác truyền thông để nâng cao nhận thức có vai trò hết sức quan trọng. Trong đó, các phương tiện thông tin đại chúng là công cụ hữu hiệu để thu hút sự chú ý của các thành phần trong xã hội, qua đó tác động đến hành vi cũng như động viên khích lệ mọi người tích cực hành động theo hướng thích ứng, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu”.
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
|
TS. Leo Sebastian, Giám đốc Chương trình CCAFS cho biết, hội thảo này là bước đi đầu tiên rất quan trọng trong quá trình kết nối các nhà hoạch định chính sách với các bên liên quan trong việc thực hiện mục tiêu trên thông qua sự hỗ trợ hiệu quả từ các phương tiện truyền thông. Chúng ta nhận thấy rằng, hầu hết các chiến lược/chính sách về thích ứng và giảm thiểu tác động của/đến biến đổi khí hậu đã công bố ở nhiều quốc gia không có hoặc rất ít đề cập đến lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi cũng đã được nghe rất nhiều những tuyên bố/ phát ngôn về nâng cao sự thích ứng và khả năng phục hồi của nông dân trước biến đổi khí hậu, nhưng thiếu hoặc không có những hành động cụ thể và rõ ràng sau đó.
Sự tham gia của truyền thông trong việc huy động các bên liên quan hành động tập thể hướng tới thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu là là vô cùng cần thiết. Chính vì vậy, sự tham gia của truyền thông trong việc phổ biến các kết quả từ chương trình CCAFS sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho triển khai các hoạt động thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”.
Theo Chương trình về biến đổi khí hậu, An ninh nông nghiệp và lương thực khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những quốc gia ở khu vực phải chịu ảnh hưởng nặng nề do hiện tượng ấm lên toàn cầu và nước biển dâng. Trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình hàng năm của Việt Nam đã tăng từ 0,5 đến 0,7 độ C; cũng trong thời gian này, mực nước biển dâng cao khoảng 20cm. Hàng năm, thiệt hại do thiên tai gây ra tại Việt Nam tương đương 1,5% tổng sản phẩm quốc nội. Các tác động của biến đổi khí hậu cũng sẽ ảnh hưởng tới hơn 12% diện tích đất nông nghiệp và khoảng 25% dân số của Việt Nam.
Biến đổi khí hậu hiện là thách thức chính đối với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực bền vững trong bối cảnh dân số thế giới ngày càng tăng. Nhu cầu về lương thực và thực phẩm ngày càng tăng trong khi khả năng sản xuất lương thực có nguy cơ giảm do ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu và người nghèo sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năng suất sản lượng cây trồng vật nuôi bị suy giảm do yếu tố thời tiết đã gây ra thiệt hại về kinh tế, xã hội và mất cân bằng an ninh lương thực. Vấn đề này sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn do quá trình nóng lên toàn cầu ngày càng diễn biến phức tạp.
Trong Hội thảo này, các phát kiến có cơ sở khoa học về biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và thực phẩm sẽ được các nhà khoa học đến từ các trung tâm nghiên cứu quốc tế về nông nghiệp của CGIAR cũng như Bộ NN&PTNT chia sẻ. Đồng thời, các kỹ thuật truyền thông về biến đổi khí hậu trong bối cảnh an ninh nông nghiệp và lương thực sẽ được các chuyên gia hàng đầu về truyền thông ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á thảo luận.
Chương trình “Biến đổi khí hậu, Nông nghiệp và An ninh lương thực” (The CGIAR Research Program on Climate Change, Agriculture and Food Security - gọi tắt là CCAFS). Đây là chương trình dài hạn (10 năm) của Tổ chức quốc tế NC Nông nghiệp quốc tế (gọi tắt CGIAR – tổ chức toàn cầu với 15 trung tâm nghiên cứu nông nghiệp thành viên trên toàn thế giới) và Future Earth. Chương trình CCAFS được quản lý bởi Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) trên quy mô toàn cầu, và bởi Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) ở khu vực Đông Nam Á – và tôi hiện là giám đốc Chương trình CCAFS khu vực Đông Nam Á.
Chương trình CCAFS tập hợp các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về khoa học nông-lâm nghiệp, khí hậu, môi trường và kinh tế- xã hội làm việc cùng nhau nhằm xác định và giải quyết các vấn đề quan trọng nhất trong mối tương tác giữa biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực ở hiện tại và trong tương lai. Hiện nay Việt Nam, Campuchia và Lào được xác định là ba quốc gia trọng điểm của chương trình CCAFS tại khu vực Đông Nam Á.