 |
Toàn cảnh buổi họp ngày 05/4/2016 |
Dự buổi họp có đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; Cục Quản lý nước, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (Bộ Tài nguyên & MT) và Ủy hội sông Mekong Việt Nam. Hàng chục phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí cùng đến dự và đưa tin.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Nông nghiệp, lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tỉnh đã cảm ơn sự có mặt của các đại biểu, cảm ơn các nhà báo, biên tập viên các cơ quan báo chí truyền thông thời gian qua đã sát cánh cùng Bộ Nông nghiệp và PTNT kịp thời đưa tin, tuyên truyền về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn - trong đó có khu vực ĐBSCL. Đồng chí mong muốn trong thời gian tới có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan báo chí với Tổng cục Thủy lợi nói riêng, với Bộ Nông nghiệp và PTNT nói chung để sớm cung cấp những thông tin chính thống đến với người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương các cấp.
Theo báo cáo tổng hợp từ các cơ quan chuyên môn cho thấy: Năm 2015, ĐBSCL không có lũ nên lượng nước trữ trong hệ thống công trình thủy lợi và các vùng thấp trũng bị thiếu hụt, kèm theo mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị giảm, mực nước xuống thấp nhất trong vòng 90 năm qua. Xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn gần 2 tháng so với cùng kỳ nhiều năm và xâm nhập sâu vào đất liền (nơi sâu nhất lên đến hơn 90 km). Đến nay có 11/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn. Tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay khoảng 210.000 ha. Khoảng 250.000 hộ gia đình với trên 1,3 triệu người thiếu nước sinh hoạt. Nguy cơ cháy rừng đang ở mức độ cảnh báo cao (cấp 4, cấp 5), đặc biệt là rừng U Minh Thượng và U Minh Hạ. Lượng nước bốc hơi lớn, thiếu nước ngọt bổ sung nên ảnh hưởng lớn đến nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao…
 |
Các phóng viên, biên tập viên phỏng vấn đại diện Cục Quản lý nước (Bộ TNMT)
và Cục Trồng trọt (Bộ NN & PTNT) |
Về dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông:
Theo tuyên bố ngoại giao của Trung Quốc và Cộng hòa DCND Lào: Trung Quốc sẽ tăng và duy trì lượng xả nước Nhà máy thủy điện Cảnh Hồng ở mức 2.190 m3/s từ ngày 15/3 – 10/4/2016 và Lào tăng lưu lượng xả nước các nhà máy thủy điển từ ngày 23/3 đến hết tháng 5/2016 ở mức 1.130 m3/s để chống hạn cho hạ du.
Với việc xả bổ sung nước từ các hồ chứa thủy điện của các nước ở thượng nguồn, trong những ngày tuần đầu tháng 4, vùng ven biển Đông ở ĐBSCL, xâm nhập mặn sẽ duy trì ở mức như hiện nay; từ ngày 12 – 25/4, vùng có thể lấy nước ngọt cách biển từ 25 - 40 km (tương tự cùng kỳ năm 2015), đẩy mặn so với hiện nay khoảng 15 km. Vùng ven biển Tây và bán đảo Cà Mau, xâm nhập mặn vẫn ở mức cao. Sau thời gian này, nếu dòng chảy thượng nguồn Mê Kông tiếp tục được duy trì ở mức như hiện nay thì xâm nhập mặn sẽ không tiếp tục gia tăng.