 |
Tổng thống Hàn Quốc
Park Geun-hye (phải) lần đầu gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại
The Hague, dưới sự giàn xếp của Tổng thống Barack Obama (giữa). Ảnh: AP của Mỹ |
Dư luận Hàn Quốc đang đau khổ và phẫn nộ trước sự kiện chìm phà Sewol khiến hàng trăm hành khách thiệt mạng, trong đó chủ yếu là học sinh trung học. Chính phủ Malaysia chịu áp lực trong và ngoài nước về những thiếu sót trong việc xử lý vụ máy bay MH370 mất tích.
Chính phủ Philippines cũng bị người dân phê phán vì ứng phó chậm chạp trong siêu bão Haiyan cuối năm ngoái, và nay đang dồn toàn lực để khôi phục, tái thiết. Còn nội các của Thủ tướng Shinzo Abe thì đau đầu vì hậu quả rò rỉ phóng xạ từ nhà máy Fukushima năm 2011 và những cáo buộc che giấu mức độ phóng xạ hồi năm ngoái.
"Tổng thống Obama sẽ hội đàm với các nhà lãnh đạo đang chịu rất nhiều áp lực. Áp lực của họ là đến từ tâm lý phẫn nộ và đau đớn của người dân trong nước", bình luận viên Mark Landler thuộc tờ New York Times nhận xét.
Theo các quan chức Nhà Trắng, lịch trình chuyến công du lần này của ông Obama được bố trí dày đặc, chủ yếu tập trung vào các vấn đề kinh tế và an ninh. Họ e ngại rằng các nhà lãnh đạo, đặc biệt là Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye khó lòng toàn tâm toàn ý thương thảo chiến lược với người đồng cấp Mỹ, bởi đang đau đầu đối phó với vụ chìm phà Sewol.
Mùa thu năm ngoái, khi thông tin về việc ông Obama sẽ đến thăm Tokyo trong nửa đầu năm nay được công bố, giới chức Hàn Quốc đã vận động Nhà Trắng bố trí thời gian để tổng thống Mỹ dừng chân tại Seoul.
Giới ngoại giao Hàn Quốc coi đây là chuyến thăm của "người bạn cũ", bởi Tổng thống Obama đã bốn lần đến quốc gia này. Hàn Quốc là quốc gia châu Á có số lần ông chủ Nhà Trắng đến thăm nhiều nhất.
Tại quốc gia đồng minh Philippines, ông chủ Nhà Trắng có lẽ sẽ dễ dàng hơn trong việc bàn luận cởi mở về việc khắc phục hậu quả siêu bão Haiyan, cũng như sự hỗ trợ từ Mỹ trong tương lai.
Tổng thống Obama và nhà lãnh đạo nước chủ nhà Benigno Aquino dự kiến ký kết hiệp định an ninh mới, cho phép quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của quốc đảo trong các nhiệm vụ hàng hải và nhân đạo.
Trong một thời gian dài, Manila phản đối Washington bố trí quân lực tại các căn cứ quân sự của mình. Nhưng hành động cứu trợ nhân đạo của Mỹ sau siêu bão Haiyan khiến giới chức Philippines phần nào nhận ra tầm quan trọng của đồng minh tại khu vực.
"Chiến dịch cứu trợ đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng với việc nâng cao sức mạnh mềm của Mỹ", Financial Times dẫn lời tướng Timothy Keating, nguyên tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, bình luận.