
Hải quân Vùng 1 tổ chức chằng buộc dây tàu vào phao.
Theo bản tin dự báo lúc 18 giờ ngày 20/7 của Trung tâm dự báo khí tượng, thủy văn quốc gia, từ ngày 21 đến 22/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, gây gió mạnh, mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Khẩn trương sơ tán dân đến nơi an toàn
Tại tỉnh Hưng Yên, trước 12 giờ ngày 21/7, người lao động nuôi ngao, thủy, hải sản sẽ rời khỏi vùng nuôi biển; ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu trên địa bàn; người dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm cũng sẽ vào nơi tránh trú an toàn. Tỉnh cấm biển, kêu gọi tàu, thuyền vào nơi trú ẩn, kiểm tra việc neo đậu tàu, thuyền tại nơi tránh trú, thời gian hoàn thành trước 9 giờ ngày 21/7.
Đến sáng 20/7, địa bàn tỉnh có tổng số 1.132 tàu, thuyền với 3.241 lao động; cụ thể đang hoạt động ven biển Hưng Yên: có 87 phương tiện/249 lao động, đang hoạt động trên vùng biển ngoài tỉnh: 5 phương tiện/46 lao động. Bên cạnh đó, 1.012 phương tiện/2.753 lao động đang neo đậu tại các bến trong tỉnh; 28 phương tiện/193 lao động neo đậu ngoài tỉnh. Chính quyền và lực lượng chức năng đã liên lạc được với tất cả các phương tiện.
Đến trưa 20/7, tỉnh Thanh Hóa còn 800 phương tiện với 3.974 lao động đang hoạt động trên biển, khoảng 174.000 khách du lịch đang lưu trú tại các khu du lịch ven biển, hơn 5.700 lồng bè nuôi thủy sản. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp; cập nhật đầy đủ, thông tin kịp thời về tình hình thiên tai, tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp, kỹ năng ứng phó với gió mạnh, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất...
Ngày 20/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các phường, xã thông báo tạm dừng hoạt động các tuyến đò ngang, đò dọc từ 17 giờ ngày 21/7 cho đến khi bão tan; sẵn sàng bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, đã sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Các địa phương ven biển phối hợp Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng nghiêm cấm không cho tàu, thuyền ra khơi từ 7 giờ ngày 21/7.
Là địa bàn được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3, tỉnh Bắc Ninh đã kích hoạt toàn bộ hệ thống ở mức cao nhất, thành lập 3 đoàn kiểm tra, khẩn trương ứng phó trước khi bão đổ bộ.
Người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh giao trách nhiệm cho các đồng chí bí thư đảng ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân các xã, phường, tập trung cao nhất phương án “4 tại chỗ” huy động tổng lực sẵn sàng ứng phó với thiên tai; tuyệt đối không để người dân ở lại các vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, bám trụ tại nhà ở xuống cấp, lồng bè nuôi trồng thủy sản hoặc lưu thông, di chuyển ở khu vực nguy hiểm.
Các xã nhanh chóng triển khai phương án hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng ổn định đời sống. Tỉnh cũng đã cảnh báo các điểm dễ có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất tại 51 xã, phường để có phương án ứng phó.

Các lực lượng chức năng thành phố Hải Phòng giúp dân di dời tàu, thuyền đến nơi an toàn. (Ảnh: Cổng TTĐT thành phố Hải Phòng)
Bảo đảm nhu yếu phẩm cho nhân dân
Nhiều địa phương nhanh chóng triển khai các đội xung kích hỗ trợ người dân chống bão, cũng như các đội cứu hộ, cứu thương tại chỗ. Các địa phương cũng chủ động chuẩn bị đầy đủ máy xúc, xe tải, xuồng máy, phao cứu sinh, áo phao, bao bì, tre, phi lao, cát dự trữ để xử lý đê, kè, cống khi xảy ra sự cố. Việc sửa chữa, khắc phục những sự cố, hư hỏng của công trình đê điều được khẩn trương hoàn thành.
Các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… đã rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, chuẩn bị chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm.
Sở Công thương các địa phương chủ trì phối hợp công an tỉnh, thành phố, ủy ban nhân dân cấp xã và các đơn vị liên quan bình ổn thị trường; chủ động yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ xăng dầu và các đơn vị cung cấp dịch vụ thiết yếu chủ động kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, LPG... không để xảy ra thiếu hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng gây tăng giá bất thường.
Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với nhóm mặt hàng thiết yếu trong thời điểm trước, trong và sau bão.
Ngày 20/7, Bộ Y tế có Công điện gửi sở y tế các tỉnh, thành phố; các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền bắc, miền trung về công tác y tế ứng phó bão số 3. Theo đó, các sở y tế, các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia và Bộ Y tế về việc chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, bảo đảm an toàn cho người dân.
Trong trường hợp bão ảnh hưởng đất liền, tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24 giờ; sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, lũ gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân; bảo đảm cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Bộ Y tế yêu cầu bảo vệ cơ sở y tế tại các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ; chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất; tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm nước sạch, công tác an toàn thực phẩm do bão, mưa lũ gây ra; sắp xếp, ổn định các cơ sở khám, chữa bệnh, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân sau mưa lũ...
Khẩn trương, quyết liệt ứng phó bão số 3
Trước diễn biến của bão WIPHA (bão số 3), Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 117/CĐ-TTg ngày 20/7/2025 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 3. Các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi ảnh hưởng của bão số 3 tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai kịp thời công tác ứng phó với bão, mưa lũ theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra. Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển, đảo, tập trung kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; kiên quyết sơ tán không để người dân ở lại trên tàu, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản trước, trong khi bão đổ bộ vào; chủ động rà soát các khu dân cư, sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, sự cố, bảo đảm thông suốt trên các trục giao thông chính.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức theo dõi, dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho các cơ quan chức năng để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với bão theo quy định; chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương ứng phó phù hợp với diễn biến của cơn bão, mưa, lũ, sạt lở...
Chủ động tiêu cạn nước đệm, đề phòng ngập úng
Ngày 20/7, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành phố phía bắc tập trung chỉ đạo các địa phương chủ động tiêu cạn nước đệm trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng, tháo cạn lòng sông, giữ nông mặt ruộng; huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, kiểm tra tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu bảo đảm tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng.
Khi có sự cố ngập úng, các địa phương cần tập trung tiêu úng, thoát nước cho diện tích lúa bị ngập úng; huy động tối đa phương tiện, máy bơm điện, bơm dầu để bơm cưỡng bức kết hợp với tháo nước nhanh khi triều xuống để cứu lúa vùng bị ngập; ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích lúa bị ngập nặng, diện tích mạ còn lại.../.
Xem bài viết gốc tại đây