Theo đó, phát triển vùng ĐBSCL theo các chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu là mục tiêu chính của quy hoạch này. Nội dung nghiên cứu điều chỉnh sẽ tập trung phân tích đánh giá các điều kiện tự nhiên, trong đó bao gồm đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng và tác động ngập lũ sông Mê Kông đối với phát triển vùng.
Nhiệm vụ điều chỉnh QHXD đề xuất các chương trình ưu tiên đầu tư phát triển vùng gồm các chương trình kết cấu hạ tầng vùng về giao thông, năng lượng, cấp nước; phát triển đô thị; ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng sống; bảo vệ môi trường; hiện đại hóa nông nghiệp, thủy lợi...
Quy hoạch cũng nhấn mạnh việc phát triển vùng ĐBSCL trên cơ sở có sự phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết về các động lực, cơ hội phát triển, cân bằng giữa đô thị và nông thôn, bảo vệ môi trường cảnh quan đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mêkông, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Vùng ĐBSCL gồm: TP.Cần Thơ và 12 tỉnh là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Quy mô diện tích toàn vùng khoảng 40.604,7 km2. Dân số hiện trạng năm 2013 khoảng 17,3 triệu người.
Dự báo, đến năm 2020 dân số toàn vùng đạt khoảng 18 - 19 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 30 - 35%; Đến năm 2030, dân số toàn vùng đạt khoảng 19 - 20 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 40 - 45%. Đất xây dựng đô thị, đến năm 2020 vùng cần khoảng 100.000 - 110.000ha; đến năm 2030 khoảng 120.000 - 150.000ha.