Theo đánh giá của của Viện Giáo dục tài nguyên nước Hà Lan, thế giới đang phải chứng kiến tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ nhất trong lịch sử nhân loại. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2009 về đô thị hóa thế giới, hiện có hơn 50% dân số thế giới sống trong các đô thị và tỷ lệ này ngày càng tăng. Đô thị hóa chủ yếu tập trung ở các nước nghèo và đang phát triển, cũng như tại các đô thị có quy mô vừa và nhỏ, nơi có hơn 70% tổng dân số đô thị của thế giới. Điều này gia tăng áp lực đối với chính quyền các thành phố trong việc giải quyết một loạt vấn đề quan trọng về nhà ở, dịch vụ công cộng, ô nhiễm môi trường, ngập lụt tại các đô thị và nguy cơ tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ông Assela Pathirana, đại diện Viện Giáo dục tài nguyên nước Hà Lan nhấn mạnh, nhiều mối nguy hiểm và tác động khí hậu liên quan dường như tập trung ở các thành phố lớn nhưng các cuộc khủng hoảng lớn do biến đổi khí hậu thường được dự đoán tập trung nhiều ở các thành phố có quy mô vừa và nhỏ, những nơi có nhiều hơn 70% tổng dân số đô thị trên thế giới. Điển hình, thành phố Cần Thơ đang là đô thị trẻ, có tốc độ phát triển nhanh, dân số hiện khoảng 1,2 triệu người. Cũng như nhiều thành phố đang phát triển, Cần Thơ đã và đang đối mặt với nhiều thách thức từ quá trình đô thị hóa, biến đổi khí hậu và gia tăng dân số đô thị. Cần Thơ có mạng lưới sông ngòi dày đặc, được cung cấp nước từ sông Hậu – một chi lưu của sông Mê Kông. Thành phố nằm trong vùng trung tâm trũng của Đồng bằng sông Cửu Long nên nước vừa là nguồn tài nguyên quý giá vừa là mối nguy hiểm tiềm tàng cho sự phát triển.
Theo ông Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ, thời gian gần đây, sự thay đổi chế độ nước sông Hậu tại Cần Thơ ngày càng nghiêm trọng, do ảnh hưởng của mực nước biển dâng và các hoạt động phát triển không bền vững của các quốc gia trên thượng nguồn sông Mê Kông. Trong đó, biến đổi khí hậu với nguyên nhân chính do hiện tượng nhiệt độ trung bình của không khí tăng cao gây ra sự gia tăng cường độ và tần suất các hiện tượng giông, lốc. Nhưng hiện tượng ngập sâu kéo dài hay khô hạn cùng với sạt lở bờ, xâm nhập mặn ngoài ảnh hưởng của biến đổi khí hậu còn có trách nhiệm của con người. Do đó, ổn định đời sống, sinh kế cho cộng đồng và phát triển kinh tế xanh là yêu cầu và là nội dung phấn đấu của chính quyền thành phố Cần Thơ trong tương lai.
Ông Vinh cho biết, nhằm tìm ra giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu mang tính bền vững, phù hợp với tình hình địa phương, UBND thành phố Cần Thơ đã thành lập Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu và Văn phòng công tác biến đổi khí hậu nhằm giúp việc cho UBND trong lĩnh vực biến đổi khí hậu với mục tiêu thích ứng tốt với các tình hình cực đoan.
Để giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu trong phát triển đô thị ở hiện tại và tương lai, các chuyên gia của Dự án quy hoạch châu thổ Bangladesh cho rằng, các nhà quản lý, nhà khoa học cần trao đổi rút kinh nghiệm từ thực tiễn các đô thị trên thế giới để xây dựng kế hoạch, giải pháp phát triển vì một tương lai bền vững. Việc chia sẻ và học hỏi trên cơ sở các nghiên cứu điển hình ở các thành phố quy mô vừa trên thế giới nhằm tích hợp, tổ chức và phát triển khả năng chống chịu ngập lụt và cơ sở hạ tầng xanh trong khi vẫn không hy sinh tăng trưởng kinh tế và sinh kế của cộng đồng dân cư là hết sức cần thiết...
Bên cạnh đó, trong quy hoạch đô thị, các nhà quản lý, nhà khoa học cần được trang bị kiến thức, các kinh nghiệm trong việc xác định các dự án ưu tiên, có tích hợp, thực hiện phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng xanh kết hợp với khả năng ứng phó, chống chịu với thiên tai với các giải pháp bền vững nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.