Tham dự hội thảo có lãnh đạo Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu- Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện Đại sứ quán Đan Mạch, UBND tỉnh Bến Tre cùng lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư… 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.
 |
Ông Trương Đức Trí (bên trái), Phó cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu- Bộ TN&MT cùng lãnh đạo tỉnh Bến Tre chủ trì hội thảo |
Theo báo cáo của Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020, các Bộ, Ngành chức năng đã xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xây dựng Atlas khí hậu và biến đổi khí hậu, tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, quy hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên nước, củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, thực hiện các dự án chống ngập; xây dựng chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh- kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, chương trình REDD+, xây dựng các dự án CDM tại Việt Nam, chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng Nghị quyết số 24/NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường, chương trình khoa học và công nghệ phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC)…
Về kết quả triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2010-2015, đối với Ngành tài nguyên và Môi trường đã đánh giá diễn biến khí hậu, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu và các kịch bản biến đổi khí hậu; triển khai nghiên cứu về biến đổi khí hậu; xây dựng thể chế, chính sách về biến đổi khí hậu…; điều tra đánh giá biến động diện tích đất và cơ cấu sử dụng đất, tài nguyên nước và mô hình quản lý tổng hợp tài nguyên nước, tiềm năng phát triển kinh tế- xã hội của các vùng, đa dạng sinh học và hệ sinh thái, tăng cường công nghệ mạng lưới quan trắc và dự báo, tiền năng khai thác các loại tài nguyên khoáng sản… Đối với Ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thúc đầy sản xuất theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn”; lồng ghép biến đổi khí hậu vào chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2020; áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt; xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý rừng; xây dựng và triển khai một số mô hình kinh tế- sinh thái ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu; rà soát quy hoạch phát triển nông thôn, xác định rõ các khu vực ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu… Ngành Công thương đã tổ chức tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức, năng lực; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đề xuất các giải pháp ứng phó… ở các địa phương, 63/63 tỉnh, thành phố đã lồng ghép kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều chính sách đã được ban hànhvà mô hình được nhân rộng…
Tại tỉnh Bến Tre là một trong 2 địa phương của cả nước được chọn thực hiện thí điểm các công trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, trong giai đoạn 2010-2015, tại tỉnh Bến Tre đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có một số dự án, công trình tiêu biểu như: Nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về biến đổi khí hậu; đánh giá tác động, chi tiết kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu; mô hình điểm ngăn mặn cục bộ nhằm ngọt hóa ở huyện Bình Đại; xây dựng đê Cái Bần, huyện Thạnh Phú; hỗ trợ ống chứa nước cấp cho các hộ gia đình ở huyện Giồng Trôm và ven biển huyện Thạnh Phú; xây dựng nhà tránh trú bảo ở 3 huyện Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri; trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển thuộc địa bàn 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú; hệ thống canh tác thích hợp trên đất nhiễm mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 152,5 tỉ đồng đã mang lại nhiều thuận lợi cho người dân tỉnh Bến Tre.
|
Quang cảnh hội nghị |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trương Duy Hải cho biết, qua việc triển khai thực hiện các dự án, công trình ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Bến Tre từ năm 2010 -2015 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như: trên 80% cộng đồng dân cư và 100% cán bộ hiểu biết cơ bản về biến đổi khí hậu và những tác động; cấp 2.383 ống hồ chứa nước giúp trên 4.000 hộ dân ven biển có nước sạch sinh hoạt, trồng được 240ha rừng ven biển, xây dựng 8 công trình đê bao chống lũ, ngăn mặn và trữ ngọt và ngọt hóa trên 10.000ha đất nông nghiệp; xây dựng 3 nhà tránh bão với sức chứa khoảng 500 người/nhà, xây dựng 1 tuyến đường tránh bão nối từ vùng kinh tế mới Cồn Nhàn đến Cồn Ngoài dài 1.397m, rộng 6,5m, tải trọng 8 tấn; qua nghiên cứu và thử nghiệm đã chọn ra được 4 mô hình canh tác như: lúa- tôm, nuôi cá lóc trong bể lót bạc, nuôi tôm càng xanh mương vườn dừa, nuôi tôm càng xanh trong ao đất hiệu quả đang được nhân rộng ra các hộ dân… Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trương Duy Hải cũng chia sẽ với các đại biểu về những hạn chế như công trình thí điểm chỉ giải quyết được ở phạm vi, quy mô nhỏ, trong khi các công trình trọng điểm ứng phó với biến đổi khí hậu chưa được đầu tư như hệ thống đê biển, hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, chống sạt lở, công trình cấp nước ven biển… “Trong thời gian tới tỉnh Bến Tre mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Trương Duy Hải kiến nghị.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Đức Trí, Phó cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu- Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cùng với sự hỗ trợ từ Trung ương, Chính phủ Đan Mạch, các Sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương tỉnh Bến Tre đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện thí điểm các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Sau khoảng 5 năm thực hiện, tất cả các mô hình này đều thu được những kết quả rất quan trọng và có thể được nhân rộng ra các địa phương khác ở khu vực ĐBSCL trong thời gian tới như mô hình sử dụng nước ngọt cho người dân vùng ven biển, xây dựng đập ngăn mặn trữ ngọt cho các vùng xung yếu, trồng rừng và bảo vệ rừng vừa tạo hành lang trắn sóng vững chắc, vừa tạo sinh kế bền vững cho người dân… “Trong thời gian tới, bên cạnh sự hỗ trợ của trung vùng cho vùng ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu thì các địa phương cần chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tuyên truyền, vận động các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, người dân cùng tham gia hành động ứng phó với biến đổi khí hậu…”- Ông Trương Đức Trí, Phó cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu- Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.