|
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo họp khẩn về ứng phó với bão số 3 |
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, Bão số 3 di chuyển hướng Tây Tây Bắc, mạnh cấp 12, giật cấp 15, cấp 16. Dự kiến bão đổ bộ vào đêm 16/9, rạng sáng 17/9 và có khả năng đổ bộ vào Quảng Ninh – Hải Phòng.
Vùng nguy hiểm của cơn bão này khi vào Vịnh Bắc Bộ mạnh cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Ven biển tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng cấp 11, cấp 12. Nam Định, Thái Bình khi bão đổ bộ vào có gió mạnh cấp 8, cấp 9.
Hà Nội cũng có khả năng hứng gió cấp 6, cấp 7.
Lượng mưa lớn, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến 100-200mm. Tập trung bắt đầu từ Quảng Ninh – Hải Phòng vào chiều mai. Trọng tâm mưa nhiều nhất vào vùng Đông Bắc từ 200 – 300mm thuộc khu vực Bắc Bộ, mức thủy triều từ 2,6 đến 3m.
Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt ngày 17-18/9 do mưa bão số 3: Lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Đông Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ...
Bão có tốc độ di chuyển rất nhanh 25-30km/giờ, cường độ cấp 1 trên khu vực Bắc Biển Đông cấp 12 trên Vịnh Bắc Bộ, cấp 10 -11 khi đổ bộ vào đất liền thuộc khu vực Quảng Ninh – Hải Phòng, sâu hơn trong đất liền có gió cấp 6 - 9, giật cấp 10 – 11.
Tại cuộc họp, các địa phương cho biết, ngay sau khi nhận được công văn khẩn từ Thủ tướng, các địa phương đã tổ chức kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ở ven biển, vùng cửa sông.
Ngoài ra, các địa phương đã hướng dẫn, sắp xếp neo đậu cho các tàu thuyền, di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè khu nuôi trồng thủy, hải sản. Đồng thời, thực hiện cấm biển để bảo vệ an toàn tài sản cũng như tính mạng cho người dân.
Chỉ đạo phòng, chống cơn bão số 3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ một loạt các biện pháp cảnh giác đối phó với cơn bão mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Bắc. Trong đó, chú trọng thực hiện phương án 4 tại chỗ, rà soát các điểm xung yếu, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cảnh báo cho dân cư sống ven sông suối, vùng trũng thấp có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét để chủ động các biện pháp đối phó.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một cơn bão mạnh, có tốc độ di chuyển rất chậm nhưng diễn biến phức tạp, lãnh đạo và nhân dân các địa phương cần đề phòng và chủ động đối phó.
Các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Thanh Hóa cần kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ở ven biển, vùng cửa sông; căn cứ tình hình thực tế chủ động xác định thời điểm cấm tàu thuyển hoạt động trên biển.
Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè khu nuôi trồng thủy, hải sản.
Tổ chức chặt tỉa cành cây, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, công trình; rà soát, sơ tán dân vùng ven biển, cửa sông, ven sông suối, vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét để chủ động các biện pháp đối phó.
Tổ chức tập trung thu hoạch lúa, hoa màu; chủ động tưới tiêu nước chống ngập úng cho nông nghiệp và đô thị.