Sáng ngày 28/09/2018, tại Hà Nội, Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với Tổ chức Malteser International (MI) tổ chức Hội nghị Tổng kết dự án “Tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại Việt Nam”. Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn đã chủ trì Hội nghị.
Tham gia hội nghị có đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai, Liên hiệp hội người khuyết tật Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội người khuyết tật Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Hội chữ thập đỏ Quảng Nam, Đà Nẵng và hơn 120 đại biểu đến từ Nhóm hỗ trợ Kỹ thuật, Nhóm cộng đồng, nhóm tập huấn viên và giám sát của dự án tại 4 xã thuộc vùng dự án của tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi và các cơ quan hữu quan, các tổ chức quốc tế có liên quan.
Ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai phát biểu khai mạc hội nghị.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đã đạt được, các thách thức trong quá trình thực hiện dự án “Tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại Việt Nam” từ tháng 5/2016 đến tháng 9/2018.

Toàn cảnh hội nghị
Dự án được triển khai thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng: Xây dựng năng lực cho nhóm hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) xã – có đại diện của người khuyết tật (NKT), tổ chức các lớp tập huấn trong đó các tập huấn viên của dự án đến từ nhiều cấp (trung ương, tỉnh, huyện) nhiều thành phần (cán bộ làm công tác PCTT, Hội NKT, Hội chữ thập đỏ…). Hội NKT Quảng Trị, Quảng Ngãi truyền thông để nâng nhận thức cho người dân, chú trọng đến nhóm dễ bị tổn thương. Các công cụ như: Sơ đồ hiểm họa, phỏng vấn hộ gia đình, phỏng vấn nhóm tập trung là những công cụ hiệu quả khi làm việc với NKT. Xây dựng kế hoạch PCTT và phương án ứng phó dựa trên nhu cầu của người dân (trong đó có NKT). Kế hoạch và phương án được thực nghiệm qua diễn tập sơ tán. Từ đó thay đổi cách Lập kế hoạch PCTT và Phương án ứng phó thiên tại tại các xã của 2 tỉnh, tăng cường sự tham gia của người khuyết tật vào công tác lập kế hoạch. Nhóm Hỗ trợ kỹ thuật xã hướng dẫn cán bộ thôn viết các bản đề xuất dự án nhỏ... Những hoạt động trên góp phần nâng cao nhận thức xã hội, cộng đồng về người khuyết tật và giúp cho người khuyết tật có sự hòa nhập, tự tin trong hoạt động phòng chống thiên tai.

“Quản lý rủi ro thiên tai là quá trình mà cộng đồng (có nhóm dễ bị tổn thương) chủ động tham gia vào việc xác định vấn đề, phân tích các nguyên nhân, lập kế hoạch, thực hiện và theo dõi, đánh giá việc thực hiện kế hoạch nhằm giảm nhẹ tình trạng dễ bị tổn thương và tăng khả năng ứng phó, thích nghi của cộng đồng với thiên tai.”- Phát biểu của ông Bùi Quang Huy- Phó GĐ Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai.
Một số kết quả chính của dự án như: Đã có ít nhất 50 cán bộ các cơ quan nhà nước và các tổ chức khác hoạt động trong lĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai và khuyết tật được nâng cao năng lực về kỹ năng lập kế hoạch, quản lý, giám sát dự án, cũng như điều phối. Đã xây dựng năng lực cho người khuyết tật để trở thành tập huấn viên cho ít nhất 100 thành viên của Liên hiệp hội Người khuyết tật, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm CS và KT PCTT, nhóm Hỗ trợ kỹ thuật xã vùng dự án. Giảm rủi ro trong thiên tai và tính dễ bị tổn thương của ít nhất 1.200 người đặc biệt khó khăn ở cấp thôn vùng dự án.

Bà Nguyễn Thị Năm, Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị trình bày tham luận Xây dựng năng lực triển khai các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có hòa nhập NKT
Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số khó khăn trong quá trình triển khai dự án như:
- Hội của/vì NKT hiện mới có ở cấp tỉnh, chưa có cấp huyện, xã. Thiếu quy định cụ thể về Nhóm HTKT và Nhóm Cộng đồng trong hệ thống phòng chống thiên tai.
- Sự thay đổi về cơ cấu tổ chức và luân chuyển cán bộ tham gia dự án. Cán bộ tham gia dự án kiêm nhiệm nhiều việc chính quyền nên khó bố trí thời gian tham gia đầy đủ các hoạt động dự án, đặc biệt hoạt động tăng cường năng lực.
- Cán bộ làm công tác PCTT cấp xã, đặc biệt cán bộ thôn chưa cập nhật hoặc chưa hiểu rõ nội dung Luật PCTT, văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn về PCTT, hòa nhập NKT trong PCTT.
- Nội dung các tài liệu hướng dẫn về QLRRTT DVCĐ của Đề án 1002, bao gồm bộ công cụ đánh giá RRTT, mẫu kế hoạch PCTT, phương án ứng phó của Đề án 1002; cách lồng ghép nội dung PCTT vào kế hoạch PTKTXH chưa cụ thể và bám sát vào trình độ của người sử dụng (cán bộ cấp xã, thôn), đặc biệt là các thuật ngữ về PCTT, biến đổi khí hậu, hướng dẫn cách tính kinh phí cho các giải pháp PTKTXH có lồng ghép nội dung PCTT.
- Thời gian thực hiện không nhiều (02 năm) nên khó có thể nâng cao năng lực một cách đồng đều cho các bên liên quan ở các cấp tại địa phương
Ông Nguyễn Văn Viễn, Trưởng thôn Bích Giang, xã Cam Hiếu, Huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị trình bày tham luận Đánh giá rủi ro thiên tai-Lập kế hoạch PCTT cấp thôn, xã
Dự án cũng chia sẻ một số kinh nghiệm khi triển khai các dự án có sự tham gia đóng góp của người khuyết tật như:
- Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về PCTT, các định hướng mới, phương pháp mới trong PCTT cho các cán bộ làm trực tiếp về PCTT, các tổ chức xã hội và các tổ chức của các đối tượng dễ bị tổn thương tại các cấp, đặc biệt cấp xã, thôn.
- Về Nhóm HTKT, Nhóm Cộng đồng:
+ Mỗi thành viên trong Nhóm HTKT, Nhóm Cộng đồng phải biết, hiểu rõ vai trò, nhiệm vụ cụ thể của mình, của Nhóm; Làm rõ cơ chế phối hợp giữa 02 nhóm và với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã, Tiểu ban PCTT thôn. Đối với NKT tham gia vào 02 nhóm cần lựa chọn người đại diện có đủ thời gian tham gia, nhiệt tình và tâm huyết với NKT.
+ Cần tổ chức tập huấn cho 02 nhóm trước khi triển khai các hoạt động. Đặc biệt dành nhiều thời gian để có thể thảo luận, thực hành sử dụng công cụ đánh giá RRTT, xây dựng mẫu câu hỏi quan trọng, kỹ năng đặt/ mở rộng câu hỏi, tổng hợp thông tin, dữ liệu. Đặc biệt cần chú ý đến việc xóa bỏ rào cản cho học viên là NKT để đảm bảo sự tham gia và giúp nâng cao năng lực cho NKT hiệu quả.
- Trong đánh giá RRTT, lập kế hoạch PCTT và phương án ứng phó thiên tai:
+ Linh hoạt sử dụng các công cụ thu thập thông tin, dữ liệu;
+ Chú ý đến thời gian, địa điểm tổ chức đánh giá RRTT để đảm bảo sự tham gia đầy đủ của người dân, đặc biệt là NKT, trẻ em;
+ Bổ sung bảng tổng hợp các hoạt động PCTT theo từng giai đoạn, bao gồm nhu cầu, giải pháp từ cộng đồng.
+ Lập danh sách và có giải pháp cảnh báo sớm, sơ tán sớm ưu tiên phù hợp với các nhóm đối tượng cần hỗ trợ để đưa vào phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai.
+ Phương án ứng phó thiên tai (cảnh báo sớm, sơ tán sớm) cần có giải pháp phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau trong cộng đồng, bao gồm NKT để đảm bảo mọi đối tượng có thể tiếp cận được thông tin cảnh báo, chủ động sơ tán sớm hoặc có giải pháp hỗ trợ sơ tán phù hợp với từng đối tượng trong cộng đồng
- Lồng ghép nội dung PCTT vào Kế hoạch PT KTXH:
+ Tổ chức tập huấn cho nhóm cán bộ hoặc cán bộ chủ chốt lập kế hoạch PCTT, kế hoạch PT KTXH về các nội dung: Tình hình thiên tai, rủi ro thiên tai tại địa phương, các kiến thức về PCTT, quy trình lập kế hoạch PT KTXH và phương pháp lồng ghép.
+ Hoạt động lồng ghép chỉ có thể thực hiện được khi các hoạt động trong kế hoạch PCTT chi tiết, cụ thể (Chi tiết về nội dung, số lượng, kinh phí dự kiến thực hiện).
+ Trong quá trình xây dựng kế hoạch PCTT, xác định trước các nội dung, hoạt đọng cần đưa vào trong Kế hoạch PT KTXH. Nếu không kịp đưa vào kế hoạch PT KTXH thì cần đưa vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
- Bộ NNPTNT & Bộ LĐTBXH phối hợp ban hành mô hình nhà văn hóa kết hợp PCTT đảm bảo tính tiếp cận và các hoạt động truyền thông PCTT cho cộng đồng.
Ông Trần Thiện, Cán bộ Xã Cam Thuỷ, Huyện Cam Lộ, Tỉnh Quảng Trị trình bày tham luận về Lập kế hoạch Phòng chống thiên tai cấp thôn và cấp xã

Ông Nguyễn Văn Hưng, Nhóm HTKT xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi trình bày tham luận Viết đề xuất dự án nhỏ nhằm thực hiện kế hoạch PCTT thôn

Ông Trần Tuấn Kiệt, Chủ tịch Hội NKT tỉnh Quảng Ngãi – Phó Ban THDA tại Quảng Ngãi trình bày tham luận Giám sát các hoạt động của dự án
Hội nghị cũng đã được nghe các ý kiến đóng góp rất thẳng thắn, thiết thực và cụ thể của đại diện các cơ quan, tổ chức tham dự hội nghị. Các đại diện các Bộ ngành đồng thuận, đánh giá cao kết quả của dự án đã đạt được, cho rằng việc quản lý phòng chống thiên tai phải có sự đóng góp, tham gia của NKT. Các đại biểu cũng đề xuất những kiến nghị mong muốn mọi người hiểu những nhu cầu của người khuyết tật để giúp, hỗ trợ cho người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, đặc biệt trong hoạt động phòng chống thiên tai. Về hoạt động của các tổ chức hỗ trợ người khuyết tật, các đại biểu mong muốn Nhà nước có thể chế và những hỗ trợ cần thiết đối với các tổ chức hoạt động hiệu quả để thúc đẩy hoạt động hỗ trợ người khuyết tật…
Kết luận tại Hội nghị, Phó Tổng cục Trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao các kết quả mà dự án đã đạt được. Dự án nhỏ về cả không gian, kinh phí và địa bàn nhưng đã chỉ ra được rất nhiều tồn tại trong công tác quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Dự án đã biết cách làm cho người khuyết tật chủ động tham gia vào quản lý rủi ro thiên tai, tự tin và tích cực đóng góp cho cộng đồng. Chính những người khuyết tật này sẽ là nhân tố giúp lan tỏa sự thành công của dự án, mô hình của dự án sẽ tiếp tục được duy trì và nhân rộng.
Video các câu chuyện điển hình của dự án