Theo nhận định của ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, khi bão số 7 đi tới gần nước ta sẽ suy yếu thành áp thấp. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão sẽ gây mưa từ khu vực Bắc Trung bộ trở ra, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc. Đối với các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu có lượng mưa phổ biến từ 100-150mm, bắt đầu tập trung từ ngày mai. Tuy lượng mưa không lớn nhưng rất dễ gây hệ quả sạt lở đất, gây lũ ở Bắc bộ, ngập úng cục bộ ở một số tỉnh như: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng,…
Theo đại diện của lực lượng Bộ đội biên phòng, tính đến thời điểm 6h sáng nay, không còn phương tiện tàu thuyền hoạt động ở trong vùng nguy hiểm của bão số 7. Tuy nhiên, lưu ý đối với hai tỉnh, thành phố: Quảng Ninh và Hải Phòng tuyên truyền cho người dân hoạt động ở các lều chòi, ven biển nắm bắt được tình hình của cơn bão.

Bộ Trưởng - Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị Ứng phó bão số 7 và mưa lũ sau bão
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, ứng phó mưa lũ bão số 7 các địa phương phải nêu cao tinh thần chủ động, tổng hợp các biện pháp không chủ quan trong ứng phó, sớm thu hoạch sớm các diện tích lúa theo tinh thần “Xanh nhà hơn già đồng”; kiểm soát chặt chẽ hoạt động ra khơi của các tàu, thuyền. Bộ trưởng nhấn mạnh “Hoàn lưu cộng hưởng của bão số 6 và 7 cũng như các yếu tố thời tiết bất thường vẫn còn vì vậy phải hết sức lưu ý tàu thuyền nhỏ ở đới ven bờ và đới lộng, nếu chủ quan tiếp tục ra khơi sẽ gặp sự cố. Thường trực Ban chỉ đạo khẩn trương liên lạc với Ban chỉ huy các đia phương yêu cầu tăng cường trực, không chủ quan. Những nơi xung yếu phải kiên quyết di dời dân. Các ghềnh, ngầm, tràn phải có người canh gác, không để xảy ra thiệt hại, nhất là thiệt hại về người” Bộ trưởng cũng đề nghị, cơ quan dự báo cần bám sát, đưa ra những dự báo sát thực tiễn; Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông, báo chí bám sát tình hình, thông tin trên nhiều phương tiện, tăng thời lượng đưa tin về triển khai. Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiến nghị với Chính phủ nâng cao chất lượng hệ thống quan trắc, trong đó Nhà nước sẽ tham gia một phần, chủ yếu là xã hội hóa ở những khu vực có thể thực hiện. Đồng thời, cần có kế hoạch thực hiện bố trí tái định cư cho dân cư ở những khu vực nguy hiểm của các tỉnh miền núi phía Bắc.

Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Hội nghị
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu, các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ bão số 6, đồng thời triển khai ngay các phương án ứng phó mưa của hoàn lưu bão số 7 “Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và những nguy cơ thiên tai tiếp theo để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó để giảm thiểu thiệt hại tính mạng của người dân, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tiếp tục kiểm soát đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền ở vùng ảnh hưởng của bão, nhất là khu vực Hạ Long - Quảng Ninh, Cát Bà – thành phố Hải Phòng đảm bảo an toàn cho du khách trong và ngoài nước. Những địa phương vùng mưa lũ phải có phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm”. Về lâu dài, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài Nguyên và Môi trường chủ động lập bản đồ chi tiết về “tai biến địa chất”, sạt lở đất nói chung cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí lại dân cư vùng nguy cơ cao để người dân sống trong khu vực an toàn. Các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Xây dựng, Công Thương cùng các địa phương đảm bảo an toàn các hồ chức theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng cứu kịp thời khi tình huống xấu xảy ra; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời nâng cao công tác dự báo, thông tin kịp thời chính xác và cụ thể hơn về diễn biến thời tiết và thiên tai.