Dự Lễ công bố có ông Nguyễn Hải Đường – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ông Michael Annear - Trưởng đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Việt Nam, cán bộ phụ trách truyền thông của Văn phòng Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực Đông Nam Á, đại diện các bộ, ngành Trung ương, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế.
Tại lễ công bố, ông Michael Annear – Trưởng đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Việt Nam chia sẻ: Báo cáo Thảm họa thế giới năm 2014 với chủ đề “Văn hóa và rủi ro” nhấn mạnh về mối quan hệ quan trọng giữa văn hóa và phòng ngừa thảm họa và khẳng định một trong những ưu tiên hàng đầu để các chương trình giảm thiểu rủi ro thảm họa thành công là cần phải cân nhắc văn hóa cộng đồng và hành vi của con người.
Báo cáo có 7 chương gồm: Tầm quan trọng của “văn hóa” và thái độ với rủi ro; Tôn giáo và tín ngưỡng ảnh hưởng đến quan niệm về rủi ro thiên tai như thế nào; Nhìn nhận sinh kế một cách nghiêm túc; Những điều tưởng tượng về cộng đồng?; Văn hóa, rủi ro và môi trường nhân tạo; Những vấn đề nhạy cảm về văn hóa trong y tế cộng đồng: thảm họa HIV/AIDS và hơn thế nữa.
Theo ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Việt Nam là đất nước đang phát triển dựa trên nền tảng văn hóa đông phương và văn minh lúa nước, do vậy, việc nghiên cứu thấu đáo văn hóa, tín ngưỡng, niềm tin, thái độ, phong tục địa phương và các thông điệp mà Báo cáo thảm họa thế giới năm 2014 đưa ra giúp tăng cường nhận thức và thay đổi hành vi trước các nguy cơ một cách bền vững là một nội dung được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam coi trọng trong các hoạt động phòng ngừa và ứng phó thảm họa đang và sẽ được các cấp Hội trong toàn quốc triển khai.
Theo Báo cáo Thảm họa thế giới năm 2014, trong năm 2013 đã có 100 triệu người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, trong đó 87% người dân sống ở châu Á, trong đó phải kể đến bão Hải Yến ở Philippines. Mặc dù số người chết bởi thiên tai, thảm họa đã giảm trong vòng một thập niên trở lại đây, Báo cáo vẫn nhấn mạnh một thực tế là các kiến thức và công nghệ mới mà chúng ta có được vẫn luôn là không đủ nếu chúng ta thiếu hiểu biết về văn hóa và phong tục của cộng đồng bị ảnh hưởng.
Tại Lễ công bố, đại diện một số cơ quan Trung ương và tổ chức quốc tế trình bày tham luận về các nội dung nêu trong Báo cáo thảm họa thế giới năm 2014 như vấn đề: Sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu; nhà ở phòng ngừa thiên tai; quan điểm của người cao tuổi về phòng ngừa ứng phó thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu; tương lai của việc giảm thiểu rủi ro trong phòng ngừa và ứng phó thảm họa.
Mặc dù với nỗ lực không mệt mỏi của chính phủ và việc đầu tư cho hệ thống cảnh báo sớm của nhiều tổ chức nhân đạo như Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã giúp cứu sống nhiều sinh mạng trong thiên tai, thảm họa; tuy vậy, trong năm 2013, tại Việt Nam đã xảy ra 14 cơn bão và lũ, cao nhất trong 10 năm trở lại đây, với số người bị ảnh hưởng lên đến 4,13 triệu người - cao gấp hơn hai lần so với năm 2006 với 8 cơn bão và lũ.
|
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Đường phát biểu khai mạc tại Lễ công bố Báo cáo Thảm họa thế giới 2014
|
|
Ông Michael Annear – Trưởng đai diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Việt Nam công bố Báo cáo Thảm họa thế giới 2014
|
|
Ông Đặng Minh Châu - Phó Tổng thư ký Hội chữ thập đỏ Việt Nam phát biểu hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng chống và GNTT
|
Trong những năm qua, các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tích cực tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thảm họa cho cán bộ, hội viên, thanh, thiếu niên, tình nguyện viên chữ thập đỏ và nhân dân; tổ chức lực lượng, phương tiện và các điều kiện vật chất khác phục vụ công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa; tham gia sơ tán, di dời, bảo vệ nhân dân, cứu người bị nạn; tổ chức các hoạt động cứu trợ khẩn cấp về tiền, hàng, thuốc chữa bệnh thông thường, tham gia tái thiết sau thiên tai, hỗ trợ giống, vốn phát triển sản xuất; thực hiện có hiệu quả các Lời kêu gọi, các chương trình, dự án quốc tế ủng hộ nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả thiên tai, hàng năm thực hiện khoảng 30 dự án quốc tế, trị giá 140 - 200 tỷ đồng (khoảng 7-10 triệu đô-la Mỹ), đứng hàng thứ 2 trong khu vực chỉ sau Indonexia, chiếm trên 70% nguồn lực do quốc tế hỗ trợ thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; trồng và chăm sóc 24.000 ha rừng ngập mặn và rừng đầu nguồn tại 11 tỉnh, thành; tiếp tục duy trì hoạt động của 44 trung tâm phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, 26 trạm ứng phó khẩn cấp; xây dựng trên 27.500 nhà chữ thập đỏ (trong đó, có khoảng 1/5 là nhà an toàn phòng, chống bão lũ); tổ chức các kho hàng cứu trợ khu vực miền Bắc, Trung, Nam; đào tạo mạng lưới hàng trăm tập huấn viên, hướng dẫn viên đông đảo trong toàn quốc…
Không chỉ tiếp nhận sự ủng hộ quốc tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn chủ động gửi thư thăm hỏi và vận động ủng hộ nhân dân các nước khác (như: Trung Quốc, Cu Ba, Mỹ, Myanmar, Haiti, Chi Lê, Phillipines, Triều Tiên, Nhật Bản…) khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa với tổng số tiền hơn 8,92 triệu đô-la Mỹ, riêng đợt vận động ủng hộ Nhật Bản đạt gần 7,8 triệu đô-la Mỹ, là đợt vận động đạt hiệu quả cao nhất từ trước tới nay, góp phần tích cực vào mặt trận ngoại giao nhân dân của Đảng, Nhà nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tại buổi lễ, hưởng ứng Ngày Quốc tế về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ông Đặng Minh Châu, Phó Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đưa ra cam kết thực hiện các định hướng mà Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế với 6 nhiệm vụ và giải pháp: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp Hội đối với hoạt động tham gia phòng ngừa và ứng phó thảm họa; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và đổi mới công tác chỉ đạo, nội dung, phương thức tham gia phòng ngừa và ứng phó thảm họa; kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực và sử dụng linh hoạt cán bộ, tình nguyện viên tham gia hoạt động phòng ngừa và ứng phó thảm họa; lựa chọn ưu tiên, triển khai các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm khi thiên tai, thảm họa xảy ra; nâng cao chất lượng công tác hậu cần, phát huy yếu tố nội lực trong vận động nguồn lực và triển khai các hoạt động phòng ngừa và ứng phó thảm họa; tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế về phòng ngừa, ứng phó thảm họa; chủ động tham gia các hoạt động cứu trợ quốc tế khi cần thiết và tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể liên quan.
Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng làm gia tăng tần suất và mức độ của hiểm họa cũng như số người phải đối mặt với chúng, Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ đang vận động cách tiếp cận mới, cân nhắc tư duy, thái độ và hành vi liên quan đến rủi ro của các cá nhân và tổ chức. Ông Elhadj As Sy - Tổng thư ký Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế - khẳng định: “Một điều chắc chắn là hiệu quả của chúng ta sẽ rất hạn chế nếu như ta không cân nhắc đầy đủ văn hóa, tín ngưỡng và thái độ của cộng đồng đối với rủi ro, và nếu như chúng ta không xây dựng kho kiến thức địa phương”.