Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2015, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ của các cơ quan đơn vị trong và ngoài Bộ, chính quyền địa phương các cấp, sự ủng hộ của bà con nông dân nên các dự án, nhiệm vụ khuyến nông đã được triển khai đồng bộ, thuận lợi và đạt được các kết quả, mục tiêu đề ra.
Mười kết quả nổi bật năm 2015, đó là”: (1) Hoàn thành Dự án điều tra đánh giá hiện trạng năng lực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và đề xuất giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông Việt Nam; (2) Tổng kết đánh giá 5 năm (2011 – 2015) hoạt động khuyến nông toàn quốc; (3) Xây dựng, sửa đổi, ban hành văn bản về quản lý, chính sách, đề án khuyến nông; (4) Nội dung khuyến nông bám sát hơn các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các vấn đề trọng điểm của ngành nông nghiệp; (5) Thông tin tuyên truyền khuyến nông tiếp tục cải tiến, phong phú về nội dung đa dạng về hình thức; (6) Đổi mới phương thức đào tạo, tập huấn khuyến nông; (7) Cải tiến phương pháp triển khai dự án khuyến nông; (8) Điều chỉnh kế hoạch hoạt động khuyến nông linh hoạt, kịp thời phù hợp với diễn biến tình hình thực tế và quy định của Bộ, quản lý tài chính nghiêm túc; (9) Thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành; (10) Tích cực áp dụng công nghệ thông tin để tiết kiệm chi phí, nhân lực và nâng cao hiệu quả công việc.
Năm 2015, các hoạt động thông tin tuyên truyền đã bám sát nội dung về định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và đổi mới hoạt động khuyến nông, khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trên các cây, con chủ lực; Thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nâng cao giá trị gia tăng; Tuyên truyền về thực hành nông nghiệp tốt (GAP), mô hình điển hình, cánh đồng lớn… vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững và phòng chống dịch bệnh mới phát sinh…
Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với 21 đơn vị truyền thông trong và ngoài ngành để tuyên truyền, phổ biến thông tin nhanh và rộng khắp, dưới nhiều hình thức. Trong đó, đẩy mạnh vai trò tư vấn khuyến nông; Tăng cường liên kết, lồng ghép các hoạt động để làm tăng hiệu quả của truyền thông; Chú trọng thông tin tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Theo TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng cần thực hiện tốt một số giải pháp chính như nội dung thông tin cần bám sát Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình xây dựng nông thôn mới của Bộ Nông nghiệp và PTNT và của các địa phương để tập trung tuyên truyền hướng dẫn, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, chủ trương chính sách mới, cung cấp thông tin thời tiết, sản xuất và thị trường, giới thiệu các điển hình tiên tiến phục vụ phát triển các sản phẩm chủ lực của đề án tái cơ cấu theo từng vùng, miền, từng địa phương; Kết hợp tuyên truyền kết quả các mô hình trình diễn của các dự án khuyến nông với các mô hình, điển hình sản xuất tiên tiến được phát hiện, tổng kết trong thực tiễn…; Bố trí cơ cấu các chuyên đề, chuyên mục tuyên truyền theo các lĩnh vực chuyên ngành của sản xuất nông nghiệp; Tuyên truyền khoa học công nghệ với kiến thức kinh tế, hợp tác sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, gắn tuyên truyền hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu sản xuất với xây dựng nông thôn mới…/