Dự án được sự hỗ trợ của Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội (ISET) bắt đầu triển khai từ tháng 1/2012, tại 3 trường: Trường Tiểu học Ngô Quyền, trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Linh và trường Trung học phổ thông Hòa Vang. Để xây dựng riêng một bộ giáo án giảng dạy về lồng ghép biến đổi khí hậu sát với thực trạng tại địa phương, Ban điều hành dự án thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập nhóm biên soạn gồm 30 giáo viên giàu kinh nghiệm. Sau quá trình tiến hành điều tra nghiên cứu, phân tích ý kiến từ các cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh trên địa bàn quận Cẩm Lệ và thông qua các buổi hội thảo, tham vấn của chuyên gia, nhóm biên soạn đã xây dựng bộ giáo án gồm 9 môn học, trong đó mỗi bậc học có 3 môn học.
Tại trường Tiểu học Ngô Quyền, chương trình được lồng ghép giảng dạy trong các môn: Tự nhiên Xã hội lớp 3, Khoa học lớp 4 và môn Lịch sử -Địa lý lớp 4. Do đặc điểm ở lứa tuổi tiểu học, nội dung lồng ghép chỉ tập trung giúp các em hiểu những khái niệm cơ bản về các hiện tượng tự nhiên và những tác hại của nó. Bên cạnh các buổi học chính khóa, nhà trường cũng tổ chức các buổi ngoại khóa với nhiều phần thi vui nhộn như: thi cột bao cát phục vụ chống bão lũ, vẽ tranh hay hùng biện về tác hại thiên tai...Các tiết học luôn thu hút sự tham gia sôi nổi của học sinh.
Em Nguyễn Quang Cường, lớp 5/2 cho biết: "Em thấy các tiết học rất hay, các bạn trong trường ai nấy đều tham gia sôi nổi. Trong các tiết học, cô giáo giúp chúng em hiểu hơn vì sao phải yêu và bảo vệ môi trường sống xung quanh mình. Các cô còn dạy cho chúng em biết cách phụ giúp bố mẹ cột bao cát hay biết cách tìm nơi trú ẩn an toàn khi bão đến".
Đối với chương trình học của bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, học sinh được rèn luyện nhiều kỹ năng thực tế để thích ứng hơn. Ban điều hành dự án đã nghiên cứu và tiến hành tích hợp thí điểm trong các môn địa lý, sinh học và giáo dục công dân.
Tại trường Trung học phổ thông Hòa Vang, các giáo viên đã rất sáng tạo trong cách hướng học sinh tiếp cận vấn đề. Nhiều hoạt động ngoại khóa, làm việc nhóm hay thi tìm hiểu tác động của biến đổi khí hậu đến cuộc sống được tổ chức thường xuyên. Các phần thi như: Vẽ lại đường đi của cơn bão khi đã cho biết tọa độ; thi phối hợp (cột bao cát, chạy tiếp sức, xếp bao cát ngăn lũ đúng quy định) hay chằng chéo nhà, cửa đối phó với bão...giúp học sinh có thêm nhiều kỹ năng ứng dụng trong cuộc sống.
Cô Lê Minh Thúy, giáo viên Địa lý, trường Trung học phổ thông Hòa Vang cho biết, các thầy cô khi tham gia dạy giáo án này cần linh hoạt và phải phân bổ thời gian giảng dạy hợp lý. Chương trình nhằm cung cấp kỹ năng thực tế, ý thức của các em. Vì vậy, ngoài lý thuyết, phải hướng học sinh phải tự mình tìm hiểu thông tin về các về biến đổi khí hậu từ đó biết cách phân tích để hiểu sâu nguyên nhân và tìm giải pháp để giảm thiểu các tác hại của nó.
Em Nguyễn Xuân Đức Hiếu, học sinh lớp 12/7 trường Trung học phổ thông Hòa Vang cho biết: "Đây là một cách học thực sự mới lạ, không rập khuôn. Các nội dung học như bão, lũ, hạn hán...rất sát với tình hình tại địa phương. Các buổi ngoại khóa, làm việc nhóm giúp chúng em được trải nghiệm nhiều hơn và cũng tự tin hơn để ứng phó với các tình huống thiên tai nếu chúng xảy ra".
Đây là chương trình lần đầu được biên soạn giảng dạy, việc tìm kiếm tư liệu, thông tin nguồn có tính phân tích cao, các nhận định của chuyên gia...gặp nhiều khó khăn, buộc mỗi một thành viên trong ban điều hành phải có tinh thần làm việc nghiêm túc cao và tính trách nhiệm cao. Đồng thời, việc đánh giá hiệu quả chương trình cần trải qua thực nghiệm để kiểm chứng. Vì vậy, để có thể hoàn thiện toàn bộ giáo án giáo dục lồng ghép thì sau mỗi lần giảng dạy, các giáo viên đều phải rút ra kinh nghiệm thực tế, lập báo cáo kết quả và đưa ra ý kiến đóng góp cho nội dung từng môn học.
Theo ông Châu Phi, chuyên viên chính của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, Ban điều hành dự án đang tiếp tục từng bước hoàn thiện bộ giáo án. Đồng thời cũng tiến hành tổ chức hướng dẫn giáo viên tại các trường còn lại của quận Cẩm Lệ về phương thức giảng dạy theo giáo án tích hợp, để trong thời gian đến triển khai mô hình ra toàn bộ 16 trường (gồm 3 trường đang thí điểm) trên địa bàn quận. Ngoài ra, Ban điều hành dự án sẽ nghiên cứu để phối hợp và lồng ghép với kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2020 của thành phố Đà Nẵng.
Dự án "Xây dựng khả năng chống chịu ở đô thị thông qua giáo dục lồng ghép" tại thành phố Đà Nẵng đang giúp trang bị cho học sinh những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến biến đổi khi hậu nhằm đáp ứng năng lực ứng phó kịp thời.