Ngày 02-3 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá “Hạt Quản lý đê điển hình” và “Tuyến đê kiểu mẫu”
 |
Theo đó, để được công nhận là “HẠT QUẢN LÝ ĐÊ ĐIỂN HÌNH”, các Hạt Quản lý đê phải đảm bảo và đáp ứng đầy đủ bộ tiêu chí đánh giá về Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, về nguồn nhân lực cũng như phải đảm bảo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác hàng năm.
Các tiêu chí về hạ tầng cơ sở:
- Khuôn viên, trụ sở, phòng làm việc phải sạch sẽ, gọn gàng, đảm bảo yêu cầu hoạt động của cơ quan, yêu cầu về văn minh công sở, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, thuận tiện cho người đến liên hệ công tác; có biển hiệu rõ ràng, dễ quan sát, ghi đầy đủ các thông tin như: tên Hạt, địa chỉ, số điện thoại và fax liên hệ. Đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, phương tiện làm việc; có đầy đủ các nội quy, quy chế, bản đồ chuyên ngành các loại sổ sách giao ban, xử lý giải quyết các nhiệm vụ... được bố trí, lắp đặt và trình bày khoa học.
- 100% tuyến đê được giao quản lý phải đảm bảo cao trình chống lũ thiết kế và có phương án hộ đê được phê duyệt đảm bảo phương châm “Bốn tại chỗ”; có hệ thống tre chắn sóng; mặt, mái, cơ và hành lang đê không có rác thải, phế thải, vật liệu xây dựng trái phép, hố xói, rãnh xói, cây dại mọc um tùm; những khu vực qua khu dân cư có đường gom dân sinh kết hợp chống vi phạm.
- Có đủ số lượng biển báo, cột km, cột thủy chí... đúng quy cách và thường xuyên được sơn, sửa. Hệ thống cống qua đê và điếm canh đê có biển tên ghi đúng, đầy đủ thông tin theo quy định của Luật Đê điều.
- Có đủ về số lượng, chủng loại và chất lượng vật tư dự trữ theo phương án hộ đê được duyệt; hàng năm được kiểm kê, bổ sung và đảo kho trước và sau mùa mưa lũ. Vật tư, trang thiết bị trong kho phải được bảo vệ và bảo quản theo quy định; sắp xếp khoa học đảm bảo thuận tiện khi xuất, nhập vật tư; được phân giao quản lý rõ ràng; có hồ sơ quản lý và quy định xuất, nhập...
Về nguồn nhân lực: Đảm bảo đủ số lượng quản lý đê chuyên trách theo quy định của Luật Đê điều; trong đó trên 70% số lượng cán bộ ngạch KSV đê điều. 100% cán bộ, công chức, viên chức... được đóng BHXH. Bố trí, sắp xếp cán bộ đúng theo đề án việc làm được duyệt. Có đủ các tổ chức, đoàn thể và hoạt động có hiệu quả. 100% KSV đê điều tốt nghiệp chuyên ngành phù hợp, trình độ trung cấp trở lên; 100% cán bộ sử dụng thành thạo tin học văn phòng, máy fax, máy tính, máy ảnh KTS. Tối thiểu 70% cán bộ được đào tạo và được cấp chứng chỉ chuyên ngành quản lý đê và tối thiểu 70% cán bộ được đào tạo hoặc có chứng chỉ sử dụng các phần mềm về quản lý đê...
Về tiêu chí đánh giá kết quả công tác hàng năm:
- Đảm bảo an toàn chống lũ thiết kế của hệ thống đê điều được giao quản lý, trong đó có ít nhất 01 tuyến đê được công nhận là “Tuyến đê kiểu mẫu”;
- Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ đê điều theo quy định. Hàng năm có 100% cán bộ hoàn thành nhiệm vụ, trong đó: tối thiểu 15% cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tối thiểu 10% cán bộ đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở trở lên. Tập thể Chi bộ Hạt (nếu có) đạt tiêu chuẩn “Trong sạch, vững mạnh” đồng thời các tổ chức đoàn thể chính trị đạt danh hiệu tiên tiến trở lên...
Đối với “TUYẾN ĐÊ KIỂU MẪU”
- Đảm bảo an toàn chống được lũ thiết kế. Tuyến đê và các công trình phụ trợ được quản lý tốt, phát huy hiệu quả, đảm bảo phục vụ công tác quản lý, bảo vệ đê...; đảm bảo xanh, sạch, đẹp và kết hợp phục vụ tốt công tác phát triển kinh tế, xã hội...
- Có đầy đủ hồ sơ, lý lịch quản lý được ghi chép, cập nhật đầy đủ, rõ ràng, khoa học theo đúng quy định. Công tác duy tu, bảo dưỡng được triển khai định kỳ, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, mỹ quan; được bàn giao và lập hồ sơ lưu trữ đầy đủ theo quy định.
- Các hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời ngay từ khi mới phát sinh; thiết lập hồ sơ vụ việc vi phạm đầy đủ theo quy định và gửi tới cơ quan nhà nước để xử lý kịp thời, theo đúng pháp luật; không để tồn đọng các vụ việc vi phạm quá thời hạn xử lý, không để tình trạng vi phạm hành chính nhiều lần. Không để tồn đọng vi phạm mới phát sinh, không để xảy ra tình trạng tái vi phạm; có kế hoạch và biện pháp xử lý dứt điểm những vi phạm còn tồn đọng được cấp thẩm quyền phê duyệt.
- Có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ đê đồng thời có sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ và tu bổ, nâng cấp đê điều.
Trước đó, ngày 08/01/2016, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 52/QĐ-BNN-TCCB về việc phát động Phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu”; thành lập Ban chỉ đạo phong trào và giao Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng làm Trưởng ban chỉ đạo.
Theo kế hoạch, ngày 29/3 tới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng tuyến đê kiểu mẫu” và tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa các Sở Nông nghiệp và PTNT 19 tỉnh, thành phố có đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt.